Đông y cho rằng, thịt hến vị ngọt mặn, tính hàn, không độc, có tác dụng dưỡng âm, lợi tiểu, hoạt tràng, thông khí, mát gan, thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu. Vỏ hến (nghiễn xác) có vị mặn, tính ấm, không độc; có tác dụng cố tinh, làm long đờm, chống nôn, tiêu đờm, tan hạch.
Hến và đái tháo đường: hến rất thuận lợi trong thực đơn người bệnh đái đường vì ít chất bột, thanh nhiệt, no lâu. Tuy nhiên, vì sống ở nước nó cũng hấp thụ thủy ngân, thuốc trừ sâu và chất thải công nghiệp khác… vì vậy tránh ăn quá nhiều hến.
Hến hỗ trợ cường dương: các phân tích khoa học cho thấy các cơ quan sinh dục yếu là do thiếu chất kẽm. Hến có nhiều kẽm làm mạnh tình dục. Khá nhiều tài liệu quan niệm rằng nên dùng thức ăn chứa nhiều kẽm với mục đích làm mạnh tình dục. Riêng với chất kẽm, không nên uống thuốc mà chỉ bổ sung bằng thức ăn như thịt, nghêu, sò, ốc, hến.
Tuy nhiên cần lưu ý: với hàm lượng iod cao, người bướu cổ do suy tuyến giáp nên dùng, nhưng bướu cổ cường giáp phải kiêng.
Do thịt hến non mềm, lượng iod lại dễ bị phân hủy nên không nên luộc lâu.
Bồi dưỡng cơ thể: hến có vị rất ngon, nó chứa protein, mỡ, đường, muối vô cơ, vitamin A, vitamin B2, nó còn chứa 1 1ượng iod tương đối cao, vì vậy những người đang ở độ tuổi thanh xuân, phụ nữ ở thời kỳ thai nghén, người lao động khỏe mạnh đều nên ăn.
Những người lao phổi, thường bị sốt về chiều, đêm hay ra mồ hôi: dùng thịt hến hầm với sò biển ăn.
Ho lâu nhiều đờm có thể dùng 60g hến, thêm 5 nhánh hành vào luộc.
Phù thũng, hoàng đản (vàng da): ăn thịt hến sẽ chóng hồi phục sức khoẻ.
Phụ nữ kinh nguyệt không đều, chất kinh ra có lẫn cả máu cục: dùng 30g hến thêm hành, gừng vào luộc ăn.
Hến còn có tác dụng nhuận táo, trị khát rất tốt.
Trẻ nhỏ ban đêm khi ngủ ra nhiều mồ hôi (mồ hôi trộm) dễ bị cảm lạnh gây tổn hại cho cơ thể các cháu nhỏ: thịt hến 5 - 6 con, lá dâu tằm 8 - 10g. Nấu lấy nước cho trẻ uống - có kết quả tốt.
Trị người lớn tuổi thường bị tiểu đêm: thịt hến 50g, thịt heo nạc 100g. Thêm gia vị vừa đủ, nấu thành canh ăn hoặc chỉ nấu lấy nước uống cũng được.
Giúp dưỡng âm, nhuận ngũ tạng, bổ hư, trừ bệnh, tăng sức khỏe: lấy hến, cà rốt, khoai tây, mỗi thứ 200g, xuyên khung, sơn dược, mỗi vị 10g. Xuyên khung rửa sạch, thêm nước vào sắc lấy nước thuốc. Cà rốt, khoai tây rửa sạch thái quân cờ. Thịt hến rửa qua bằng nước muối loãng. Cà rốt, khoai tây cho vào nồi mỡ đảo qua, đổ nước thuốc xuyên khung và thêm 1 lượng nước vừa đủ vào nồi luộc chín khoai tây và cà rốt. Sau đó cho thịt hến, rượu gia vị, bột cà ri, muối rồi vặn lửa to cho sôi lên là được. Cà rốt, khoai tây rất giàu các loại chất giúp tăng cường sức khỏe. Xuyên khung là loại thuốc Đông y giúp tăng hoạt động của máu, có thể làm thông các khe trong não, chữa đau đầu rất hiệu nghiệm. Các thứ trên kết hợp với hến sẽ có tác dụng tăng cường trí lực, nâng cao sức khỏe, giúp phòng trừ suy nhược thần kinh.
Món ăn rất thích hợp với những người lao động trí não, mồ hôi trộm, hay nóng ruột, tâm thần bất ổn, di tinh, ra mồ hôi trộm: 100g hến, 15g mạch môn, 12g địa cốt bì, 30g tiểu mạch. Cách làm: mạch môn, địa cốt bì, tiểu mạch rửa sạch, quấn chặt vào túi tải mỏng sạch. Thịt hến rửa sạch, cho vào nồi, cho tiếp túi thuốc, để đủ nước rồi đun nhỏ lửa 40 phút. Sau đó bỏ túi thuốc, thêm hành, gừng, muối, mì chính rồi bắc ra ăn. Hến tính nhuận ướt, có ích cho tân dịch, có khả năng nhuận dưỡng ngũ tạng; tiểu mạch có tác dụng bổ tim, dân gian thường nói “người bệnh tim nên ăn tiểu mạch”; mạch môn, địa cốt bì có tác dụng bồi bổ phổi thận, trừ bỏ những phiền muộn trong lòng.
Canh hến bổ thận, cường dương: hến 100g, cà chua 1 -2 quả, khế 1 quả, thì là 6g, rau răm 8g. Thêm nước và gia vị vừa đủ, nấu thành canh ăn.
Món canh này: hến làm mạnh gân, cường dương, ích tinh; cà chua và khế có vị chua, dẫn thuốc vào can kinh; thì là khử mùi tanh, tiêu thực, làm ấm thận; rau răm khử mùi tanh, tiêu thực, kìm hãm tác dụng bộc phát cường dương của hến. Đúng là món ăn - bài thuốc!
|
Hến vừa là thức ăn, vừa là vị thuốc. |